a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT MÙA GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2025 AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM MỚI 2025 VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn TUY BUT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TUY BUT. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

CHUYỆN TUỔI 70 NHỚ LẠI : Cho tôi một vé ... trở về tuổi thơ !!!

 


Lớp 12 A2 năm học 1972 Trung học Công lập Hoàng Diệu 



Lãnh cúp Vô Địch Tuần Lễ thể thao học đường bộ môn Túc Cầu tỉnh Ba Xuyên. Do Ông Liêu Quang Nghĩa Tỉnh Trưởng Ba Xuyên và Ông Trần Văn Thanh Trưởng Ty Thanh Niên trao tặng.


Chương trình Phát triển Sinh hoạt Học Đường ( CPS ) Hình ảnh chụp tại sân trường Hoàng Diệu Ba Xuyên


Cầu thủ Cao Văn Tâm hậu vệ biên phải của Đội Tuyển Túc Cầu tỉnh Ba Xuyên ( hàng ngồi thứ tư kế thủ môn tay phải nhìn qua ) trong trận thi đấu giao hữu với tỉnh Vĩnh Long. Khán giả đầy nhóc khán đài Sân Vận Động đường Lê Văn Duyệt Khánh Hưng Ba Xuyên.


Hình ảnh cắt ra từ học bạ của Trường Trung học Công lập Hoàng Diệu.
Hàng trên thứ tự từ trái sang phải Lớp Đệ Thất P2, Lục P2, Ngũ P2, Tứ P2 ( Trung học Đệ Nhất Cấp )
Hàng dưới lớp 10A2, Lớp 11A2 và lớp 12 A2 ( Trung học Đệ Nhị Cấp)

Tuổi thiếu niên ! Không biết chuyện đời, không biết mùi đời. Thơ ngây, hiếu động, ham vui chơi, thích xem chuyện, khoái xem rạp chiếu bóng và đam mê thể thao, đặc biệt là môn đá banh.
Cứ mỗi ngày nhịn ăn, cố mà mót tiền. Đủ 2 đồng rưởi là mò đến rạp Nhị Trưng tìm bạn hùn tiền nhau mua vé 5 đồng để hai đứa vào xem phim Tarzan huyền thoại rừng xanh, phim cao bồi móc súng nhanh như chớp, tài múa kiếm của Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ hay Vị thần sức mạnh Herculs ...
Còn khi có đội tuyển tỉnh nhà đá banh ở sân vận động thì đâu có tiền mua vé vào cổng. Ba bốn đứa trẻ con rủ nhau ra phía sau ruộng ngồi chờ.
Khi quốc thiều " Này công dân ơi ! Đứng lên đáp lời sông núi..."
Chào cờ, quan khách ở khán đài đứng lên và mấy ông cảnh sát giơ tay lên trán đứng nghiêm, là cùng tốc chạy băng qua cánh đồng, chui qua hàng rào gai, vào sân vận động chen lẫn vào đám đông khán giả ... mất tiêu.
Giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp có khát nước là đến các xe nước mía năn nỉ xin vài cục nước đá bỏ vào miệng là xong.
Về đọc chuyện thì đến các nhà cho " mướn sách " xem say mê " Bồn Lừa - Dzũng ĐaKao " của Duyên Anh. Chuyện kể về một giấc mơ ao ước, nằm chiêm bao ở sân Hoa Lư : Trận banh giao hữu giữa đội Thiếu Niên Sài Gòn với đội banh Ba Tây của vua bóng đá Péle Vô Địch Thế giới.
Lớn thêm một chút là những quyển sách : Luật Hè Phố - Điệu Ru Nước Mắt - Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang hay Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long ...
Thi đậu vào Trường Trung học Công lập Hoàng Diệu năm 1965 lớp Đệ Thất P2 ( chữ P là chương trình sinh ngữ Pháp Văn )
Đến năm học lớp10 A2 bậc Trung học Đệ Nhị Cấp ( chữ A là Ban Lý Hóa - Vạn Vật ). Lần đầu tiên được học chung lớp với các chị em nữ, một số anh chị được chọn do học xuất sắc từ các Trường Trung học Tư Thục trong tỉnh Ba Xuyên.
Một buổi sáng sớm chờ chuông reo vào lớp. Anh bạn thân cùng học Huỳnh Giáp Ngọ có một pha dợt banh đã lỡ chân " đá thẳng một cái rầm " vào cửa phòng ngủ, nhà của Thầy Hiệu Trưởng Phan Ngọc Răng ở kế bên.
Kết quả là ông Tổng Giám Thị Tô Quốc xuống mời cả lớp tập trung ra xếp hàng, đứng dưới hành lang đá dăm rêu đỏ.
Thầy Hiệu Trưởng trong tay cầm chống cây thước bảng dài hơn một mét. Phát biểu : " Em nào đã lỡ đá banh trúng vào cửa phải ra nhận lỗi.
Nếu che giấu, cả lớp sẽ bị đuổi học hay hạ điểm hạnh kiểm cả năm ".
Mấy cô nữ sinh mới được vào học sợ xanh cả mặt mày, còn các anh nam thì không biết, nhưng cũng không dám nói gì ?
Thấy tình hình quá gay go, nên xoay qua nói nhỏ với Ngọ " Thôi tao với mày cùng ra nhận lỗi đi ! "
Hai đứa bước lên ra khỏi hàng và len lén nhìn ... thì hình như ánh mắt của thầy đã... dịu giận.
Bởi vì, thấy có và biết rõ anh chàng cầu thủ Cao Văn Tâm đã cùng với đội đá banh Trường Hoàng Diệu mới vừa đạt được chức Vô Địch hồi tuần lễ trước ở Giải Thể Thao Học Đường tỉnh Ba Xuyên mà thầy rất yêu thích.
Thầy hỏi :
- Tâm hả ... ! Dạ Thầy !
-" Hai đứa .. nằm xuống ".
Cùng với Ngọ lom khom cúi nằm dài theo dãy hành lang. Tưởng phen này sẽ lảnh ít nhất cũng 2 hèo thước bảng.
Nhưng không ! Đột nhiên Thầy phán ...!
" Hai đứa ... đứng lên !
Cả lớp đi ... vào học ! ".
Mấy anh chị bạn nghe vậy mừng húm, nhẹ nhỏm cả người.
Huỳnh Giáp Ngọ sau này là Hiệu Phó Trường Tân Trụ Long An, Hiệu Trưởng Trường Phường Một và Phó Chủ Tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng.
Một số bạn thân khác do đến tuổi đi lính như Ngô Bình Minh vào Trung Tâm huấn luyện Quang Trung với Vườn Tao Ngộ, Anh bạn Mai Phước Hòa thì Cảnh Sát Dã Chiến, Vương Thanh Hải vào Trường Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Đức ... dòng đời của con người cứ trôi nổi theo năm tháng và số phận vô thường của mỗi anh em.
Vào lứa tuổi thanh niên nhen nhóm chuyện tình cảm, bắt đầu làm quen với " Dòng sông Ly Biệt - Hãy Ngủ Yên Tình Yêu - Hải Âu Phi Xứ ... Những tác phẩm diễm tình, bi thương, lãng mạn, tình duyên trắc trở, thấm đậm nước mắt người mê đọc sách của nhà văn Quỳnh Giao.
Rồi xem chuyện chưởng, kiếm hiệp với các phổ luyện thần công như Lệnh Xé Xác - Ngọc Diện Diêm Bà, Quách Tĩnh - Hoàng Dung của Anh Hùng xạ Điêu ... Đặc biệt là pho chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ với chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung chính nghĩa, thiện ác phân minh.
Ông Kim Dung cứ mỗi ngày viết một đoạn đăng trên tờ Minh Báo của Hồng Kông. Mỗi sáng nhiệm vụ nhận 2 đồng đi xe đạp ra sạp báo Trung Huê đường Hai Bà Trưng mua 2 tờ báo " Trắng Đen " và " Tin Sáng ". Trả tiền nhận báo xong là ngồi xuống ngay bên hong sạp báo, lật ra xem trước đoạn chuyện kiếm hiệp do ông Hàn Giang Nhạn dịch. Chứ nếu không mang báo về là bị giành đọc không lại với Ba và người chị Hoa ở nhà.
Hôm nào mà báo " Cáo lỗi máy bay từ Hồng Kông không qua kịp " thì buồn hiu ...
Rồi cũng cứ vậy ham vui chơi, học hành thì dở, cũng mỗi năm lên một lớp, thi Tú Tài 1, đậu Tú Tài 2 và để khỏi đi lính thi vào Sư Phạm. Rồi 30/4 - rồi cũng " MẤT DẠY ".
Sau năm 1975 tham gia hai ba công việc nhà nước. Rồi lưu lạc cùng với người bạn đi thu mua thủy hải sản ở biển Bãi Giá - Xin được thu nhận vào làm công nhân ở Xí nghiệp Cấp Nước thị xã Sóc Trăng - Năm 1992 là Công ty Cấp Nước tỉnh Sóc Trăng - Học lớp chuyên ngành kỹ thuật Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Đến bây giờ đã có trên 40 năm theo nghề " BÁN NƯỚC NUÔI THÂN " !!!
Nay về hưu gần 10 năm lại vẫn tiếp tục " BÁN NƯỚC CHO VUI " !!!
HẾT ... Cho tôi một vé trở về ... tuổi thơ.

Thứ Sáu, ngày 1 tháng 4 năm 2022
Cao Văn Tâm

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2025

ĐI ĐÂU LOANH QUANH CHO ĐỜI MỎI MỆT - VÕ KỲ ĐIỀN




Tôi và anh bạn đi men theo đường cát ven biển để đến khu chợ nhỏ. Đoạn đường này mọc đầy cây bông điệp xen kẽ cây bàng biển lá to tàn rộng như những cây dù. Vào mùa này hoa điệp nở đỏ rộ che kín cả một góc trời. Các khu nghỉ dưỡng sang trọng mọc san sát nhau, du khách tấp nập dập dìu, tây đầm trẻ trung khỏe mạnh tụi nó ăn cái gì không biết, sao mà đẹp quá trời. Còn tôi và bạn là hai ông già, phải nói cho rõ hơn là già khằn, già ngắt già ngơ, mặc quần cụt ở trần nên thấy cả chưn cẳng ốm o như hai ống điếu, da dẻ nhăn nheo, cũng may là đầu đội nón, mình quấn khăn kín bưng, người ngoài nhìn khó mà biết được tuổi tác cùng những nét xấu xí già nua. Cứ tới mỗi hè dù đã đi chơi ở bất cứ nơi đâu thì tôi và bạn cũng dành một tuần để đến bãi biển xứ này để nghỉ ngơi thư giãn, phơi cái gì được thì phơi… Phải lợi dụng mùa hè rực rỡ nơi đây kiếm được nắng ấm chút nào hay chút nấy, chớ cái xứ Canada của tôi thì chỉ có tuyết trắng xóa quanh năm, lạnh lẽo teo ruột teo gan, làm sao dám mặc quần áo mong manh mà ra phơi nắng, bạn ơi!
Nói thêm một chút là chúng tôi tôi tổ chức đi chơi chung gồm một nhóm bạn chừng trên một chục đủ đầu. Có nam có nữ, có trẻ có già. Mỗi khu du lịch có nhiều phòng cho du khách thuê. Giá cả mỗi phòng có hai giường dành cho hai người cư ngụ chung. Nếu ở một mình thì cũng phải chịu giá cao đó. Đó là lý do tại sao năm nào cũng vậy, tôi và ông bạn già, tuy khác Viện Dưỡng Lão, nhưng cả hai đều độc thân, chung nhau giữ lấy một phòng ở khu du lịch này, tiền phòng rẻ hơn được một chút, đỡ được chút nào hay chút nấy, tại ai biểu… nghèo mà ham.
Đường càng lúc càng quanh co, có lúc đi sát bãi nước cát trắng xóa, nước xanh rờn, sóng vỗ chập chùng, có lúc vách đá đồ sộ với nhiều hình thù kỳ quái. Phong cảnh đẹp như tranh vẽ, tôi nhìn ngắm mê man. Anh bạn không biết có sở thích ngắm cảnh như tôi không, nhưng thấy anh hăm hở những bước đi lẹ làng. Len qua khu du lịch này, xuyên qua khu du lịch kế bên và đi miết, không nghe anh nói một tiếng nào. Tôi cũng không đoán được anh nghĩ gì trong đầu, lệt bệt cố theo sau, mệt muốn nín thở, tuy tôi nhỏ hơn anh gần chục tuổi… Coi già vậy chớ anh còn khỏe hơn tôi, ra biển còn lội được và lội rất xa. Khi xuống nước thì tôi quơ quơ đập tay vài cái, sau đó đứng thở dốc, rồi quay sang nhìn ngắm mấy con đầm non…
Cuối cùng thì hai anh em cũng tới khu chợ trời. Nói là chợ chớ thiệt ra là một khu đất trống dưới những tàn cây xanh, loe hoe chừng chục cửa hàng được dựng tạm bợ, bán các vật dụng khăn, nón, áo, túi xách cùng các món đồ kỷ niệm địa phương cho du khách, màu sắc sặc sỡ. Nhìn sơ qua, thiệt tình tôi không biết nên mua món gì. Giá cả thì khá cao, còn hàng hóa thì dáng vẻ đơn sơ và bình dân, không có một nét nghệ thuật nào ráo trọi. Không phải mình tôi mà các du khách khác cũng khá thờ ơ… Tuy vậy, anh bạn tôi thì khác. Anh vào một cửa hàng và hăm hở lựa món này chọn món kia. Tôi cũng theo vào trong cho đỡ nắng nóng, không để ý bất cứ chuyện mua bán ra sao. Sau khi lựa chọn, anh đã mua một món trong đống đồ vật ngổn ngang trên mặt bàn. Bận về, đoạn đường có vẻ ngắn hơn hai anh em đi thật lẹ. Anh ôm xách kỹ lưỡng món quà được gói ghém kỹ bằng giấy có hình bông hoa xanh đỏ. Giờ này nắng nóng như đổ lửa, nắng nóng trên đầu và nắng phỏng dưới chưn. Hải đảo như bị bỏ vô lò nướng mà hấp, hai anh em tôi mồ hôi đã tươm ra khắp người…
Sau khi cơm nước xong xuôi trở về phòng, anh mở bao giấy ra và cầm món quà lên ngắm nghía. Đến lúc này thì tôi mới biết anh mua cặp chim có cặp mỏ vàng được đục đẽo chạm trổ bằng cây, thân chim được sơn xanh, sơn đỏ, đậu trên một cành cây màu nâu. Hai con chim trống mái châu đầu vào nhau ríu rít, dáng vẻ thương yêu, âu yếm nhau. Hình ảnh hai con chim sao mà dễ thương đến vậy! Trời, anh bạn tôi năm đó cũng đã trên tám chục cộng thêm năm, sáu năm tuổi nữa, bỗng dưng thích chơi chim. Coi bộ anh vui và nằm dài trên giường, ngắm nghía hồi lâu đôi chim tha thiết lắm. Ngộ thiệt, anh bạn tôi bỗng dưng yêu đời hết biết. Nếu cho tôi cặp chim này thì tôi không biết làm gì, đem về nhà chưng ở đâu. Tôi nghĩ thầm trong đầu, nếu phải mua tôi sẽ mua một tượng người thổ dân da đen hoặc cái kim tự tháp xứ này nặn bằng đất nung. Rõ ràng là mỗi người một ý, một sở thích, không ai giống ai. Miễn sao vui là được… Thấy anh bạn vui thì tôi cũng vui lây….
Sáng hôm sau vừa thức dậy thì bỗng chợt anh bạn đề nghị – anh em mình sáng nay đi chợ trời. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: đi chợ trời nữa làm chi, mới đi hôm qua mà?
Anh nhẹ nhàng trả lời: tôi muốn mua thêm con chim. Tôi trố mắt – anh đã mua rồi, mua thêm chi nữa. Thiệt tình tôi không hiểu, con chim đó đâu có quý báu gì, mua thêm nữa để làm gì. Một con kiếm chỗ để chưng đã mệt rồi, thêm một con nữa rồi để đâu, cái phòng trong Viện Dưỡng Lão nhỏ xíu. Trong đầu tôi bây giờ chỉ muốn đi ăn, rồi ra biển tắm. Chỉ còn vài ngày là hết một tuần lễ nghỉ ngơi ở hải đảo phương xa này.
Anh từ tốn nhẹ nhàng giải thích: tôi muốn mua thêm một cặp nữa để tặng cho bà bạn bác sĩ mới quen, còn cặp này thì để đầu giường. Bên phòng tôi một cặp, bên phòng bả một cặp… cho giống nhau.
À, hiểu rồi, hiểu rồi, ai cũng khen tôi thông minh nhạy bén, vậy mà chuyện hấp dẫn như vầy lại đoán không ra. Yêu đương là phải như vậy, như vậy. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có lần đã nói, “Yêu nhau ai tính tuổi bao giờ”. Mừng cho ông bạn già của tôi. Vui thiệt là vui. Bạn nào đã nói mấy ông già, bà già hổng có tình yêu thì nên suy nghĩ lại nghen.
– Ồ, vậy thì đi sớm sớm một chút, anh em mình đi trễ như hôm qua nắng nóng quá…
***
Năm sau, tôi lại đi nghỉ hè như thường lệ. Nhưng căn phòng tôi mướn rộng rinh chỉ ở có một mình. Ông bạn già quen thuộc đi phương trời nào không thấy. Tôi lo lắng và nhớ bạn, bèn hỏi anh trưởng nhóm tổ chức: – Bạn tôi đâu rồi sao không thấy, chuyến này ảnh không đi hay có bịnh hoạn gì?
Anh trưởng nhóm cười cười, trả lời ngay: – Ảnh đâu có bịnh gì nhưng bận lắm vì suốt ngày… phải đẩy xe lăn cho bà bạn hàng xóm mới quen.

VÕ KỲ ĐIỀN
Brossard, QC, le 10 Décembre 2022
Nguồn : Internet

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2025

VÀI ĐỊA DANH MIỀN NAM - Võ Kỳ Điền

 



Tôi là người nhiều ham muốn lúc nào cũng thích tìm tòi khám phá. Cái tật đó có từ lúc nhỏ và vẫn còn mãi cho tới bây giờ. Biết như vậy là khổ lắm và không được, đôi lần cố sửa nhưng tánh nào tật nấy khó mà chừa. Thành ra mấy phim bộ coi vậy mà có lý hết sức, nói câu nào đúng câu đó. Bộ phim nào cũng thường có câu – giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời. Bất cứ chuyện lớn chuyện nhỏ gì mà tôi nghe được thì bằng mọi cách tôi phải tìm tòi khám phá, tò mò săm soi, tìm cách giải nghĩa cho rõ ngọn nguồn, thì mới chịu.

Thời gian gần đây, tôi ưa nhớ lại chuyện xưa, cái thời còn nhỏ xíu mới bắt đầu đi học. Lớp đồng ấu, lớp dự bị, lớp ba, lớp nhì rồi tới lớp nhứt. Có lớp tiếp liên không biết để làm gì và cho ai học. Lúc mới xin vô trường thì phải nộp một tờ trích lục khai sanh, nơi sanh của tôi đã được ghi rõ như vầy: làng Dương Đông (Rạch Giá), tỉnh Hà Tiên. Như vậy theo tôi hiểu vào thời Pháp thuộc, tỉnh Hà Tiên lớn lắm gồm cả Rạch Giá và đảo Phú Quốc luôn. Mà ngộ thiệt, cái nơi tôi được sanh ra có tên là Dương Đông, nếu phân tách theo chữ Hán Việt thì có nghĩa là hướng đông của biển. Ông bà ngày xưa đặt tên một vùng đất phải có ý tứ, chớ không thể đặt cho có mà không ăn nhập vô đâu. Có phải vậy không? Coi họa đồ của đảo thì thị trấn Dương Đông ở hướng Tây Bắc của Phú Quốc, hoàn toàn không có gì liên hệ với hướng Đông hết. Có tức mình không chớ, tại sao lại là Dương Đông?

Tôi chịu không nổi cái vụ này bèn dọ hỏi hết người này tới người kia, không ai biết rõ ngọn nguồn, cho tới khi gặp được người cố cựu ở đảo: Ông chú của tôi. Ông cười và giải nghĩa cho tôi hiểu:

– Con ơi, dương không phải là đại dương – là biển, mà là cây dương, tây kêu là cây phi lao đó. Còn đông không phải là hướng đông mà đông là nhiều. Như vậy Dương Đông nơi con được sanh ra là chỗ có đông cây dương, rất nhiều cây dương, con hiểu chưa? Nghe xong tôi sững sờ. A, cây dương là cây phi lao (filao) thường mọc ven bờ cát để chắn gió bão. Ông tiếp, cách làng Dương Đông của con có xã Dương Tơ, có nghĩa là vùng có nhiều cây dương còn tơ, mới lớn. Cách Dương Tơ có ấp Dương Cờ, các hàng dương mọc ven biển từng từng lớp lớp như dựng cờ. Thiệt là tệ, tôi một người con của Dương Đông mà không hiểu gì hết trơn về quê hương mình!

Sẵn dịp tôi hỏi luôn – Dạ, ông ơi - đảo Phú Quốc của mình thuộc tỉnh Rạch Giá hay Hà Tiên? Được ông trả lời – Thời Tây thì thuộc Hà Tiên, sau này thuộc Rạch Giá. Rạch Giá thì con hiểu là vùng rạch đó có nhiều cây giá, còn Hà Tiên có phải là vùng biển đẹp Đông Hồ đó thường có tiên xuống tắm phải không? Ông Mạc Thiên Tích ngày xưa thường làm thơ ngâm vịnh mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên, Hà Tiên Thập Cảnh.

1- Tiêu Tự Thần Chung – Chuông sớm chùa Tiêu
2- Kim Dự Lan Đào – Đảo Vàng ngăn sóng
3- Lộc Trĩ Thôn Cư – Thôn xóm Mũi Nai
4- Nam Phố Trừng Ba – Bãi Nam lặng sóng
5- Thạch Động Thôn Vân – Động đá nuốt mây
6- Đông Hồ Ấn Nguyệt – Trăng soi Đông Hồ
7- Giang Thành Dạ Cổ – Trống khuya Giang Thành
8- Lư Khê Ngư Bạc – Thuyền về bến Lư
9- Bình San Điệp Thúy – Rừng biếc non Bình
10 – Châu Nham Lạc lộ – Núi Châu cò đáp

Con nghe ai nói vậy? – Con đọc trong sách mà cũng có nhiều người nói ông Mạc Cửu thấy mấy nàng tiên xuống tắm nên đặt tên vùng đất đó là Hà Tiên.

– Ông thì không biết thuyết đó đúng hay sai nhưng vùng đất này trước khi Mạc Cửu đến khai phá thì là một sóc của người Miên nghèo họ ở từ trước, có tên là Srok Tà Teng. Ông nghĩ từ chữ Tà Teng biến thành Hà Tiên theo âm của người mình…

Cái tánh ưa tò mò thắc mắc của tôi lại có dịp nghĩ suy. Có lẽ ông chú nói đúng vì địa danh này có từ trước khi Mạc Cửu đến. Mạc Cửu là người Minh Hương khi mới đến, đương nhiên nói tiếng Tàu, sau đó lần lần ông tập nói sang tiếng địa phương đang sinh sống. Ông đã tụ tập cư dân quanh vùng để lập làng lập xóm gây dựng cơ nghiệp. Những cư dân đó đa số là những người nghèo khó gồm nông dân, ngư dân ít học hành. Họ đã đến Sóc Tà Teng sống quây quần, nương náu sinh sống bên nhau, rồi thời gian qua làm biến âm Tà Teng biến thành Hà Tiên của tiếng Việt cho dễ nói và dễ nghe, hình ảnh gợi lên cũng đẹp nữa. Không phải tên Hà Tiên tự nhiên mà có.

Cũng vậy khi tôi mới về dạy học ở Sóc Trăng, có một đồng nghiệp dạy môn Pháp văn, người gốc gác ở Cù Lao Dung. Cô cũng cùng tên Dung. Có lần tôi hỏi – Cô Dung nè, tại sao cù lao cô ở lại có tên là cù lao Dung? Cô hoàn toàn không biết vì học Marie Curie từ nhỏ, chuyện bên Tây cô rành hơn bên Việt Nam mình.

Sau này tôi có dịp nghe đài Truyền Hình Đồng Tháp giải thích địa danh này. Đây là một cù lao trù phú của tỉnh Sóc Trăng, đất đai rất phì nhiêu vì nó tích tụ toàn là phù sa sông Hậu. Chuyện là như vầy. Ngày xưa nơi đây có một thiếu nữ tên Dung rất hiếu thảo, nhan sắc mặn mòi chuyên làm việc thiện giúp cư dân quanh vùng, nhưng không may bịnh nặng mất sớm. Người người thương tiếc nên lấy tên cô mà đặt cho đảo. Câu chuyện kể khá hấp dẫn. Nhưng có thiệt không vậy? Sau đó thì người phát ngôn cũng cho là thuyết đó chưa đủ chính xác, có thể giữa đảo có giồng đất vun cao người dân làm rẫy trên đó, một giồng đất, nên gọi mãi thành tên. Người miền Nam thường phát âm lẫn lộn giữa Vun này và Dung kia. Mới nghe qua lời giải thích này thì thấy có lý. Một cù lao nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng.

Cùng với cái bản tánh tò mò, tôi cố gắng tìm hiểu, lục lọi trong mớ sách cũ thì thấy từ xưa cù lao này người Miên gọi là Kòh Tun, cù lao chim chàng bè. Có sách ghi là Kaôh Tũng, cù lao chim bồ nông. Vậy có phải là từ Tun hoặc Tũng biến âm thành Dung của Việt Nam mình không? Các bạn thấy thế nào?

Mấy cái vụ này rắc rối quá, nhức cái đầu, rán kiếm chuyện gì vui vui một chút. Có lần anh bạn giải thích tên của quê anh: quận Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Anh nói một hơi ngon lành. Ngày xưa, cái thời vua Gia Long chạy vô miền Nam trốn tránh Tây Sơn, tới địa phương này, thì các vò đựng nước bị bể, quân sĩ tướng tá không đủ nước để uống. Vua bèn hạ lịnh cho lính hầu kiếm đất sét mà vá lại các chỗ bể nứt. Do đó mà địa phương này có tên là Lấp Vò. Còn có thuyết hấp dẫn hơn cho rằng chữ Vò người miền Nam nói sai, đáng lẽ ra phải là Giò mới đúng. Vì lẽ khi quân Tây Sơn rượt, quân chúa Nguyễn chạy trốn vắt giò lên cổ, để lại dấu chưn cực kỳ nguy hiểm. Cho nên vua phải ra lịnh lấy bùn đất khỏa lấp các dấu vết để lại. Đó là Lấp Giò, lâu dần nói sai thành quen là Lấp Vò.

Nghe xong các lập luận này, tôi thấy thương vua Gia Long hết sức. Trong Nam mình bất cứ việc gì cũng nhắc tới vua, đổ thừa cho vua. Ông vua lấy tay bấm trái bòn bon nên bây giờ còn để lại dấu. Khi đoàn quan quân khát nước, ông vua lấy kiếm chém xuống đất, nước ngọt tự đất đá phun ra. Khi bị rượt đuổi đói khát, tự nhiên trời cho đàn cá nhẩy vô đầy thuyền, nên gọi là cá linh… Nhiều lắm, kể sao cho xiết, vua Gia Long là “chánh vì vương” mà, có trời phù hộ. Ở Phú Quốc của tôi, chỗ nào cũng có dấu vết của vua để lại, người dân lập miếu để thờ cúng quanh năm.

Trở lại chuyện Lấp Vò. Học giả Trương Vĩnh Ký đã nói như thế nào về cái quận này? Ông nói ngày xưa nơi đây người Miên gọi là Srôk Tak Por, người dân làm nghề truyền thống cũ, là Xứ Trét Thuyền, để chống hà ăn. Thuyền đi sông nước lâu năm bị hà ăn mục ván, phải đục bỏ cho sạch và dùng dầu chai trét lại, để ghe thuyền dùng được lâu hơn… Từ chữ Tak Por biến âm thành Lấp Vò.

Trong các địa danh miền Nam, tôi thấy thú vị nhứt là địa danh Cần Thơ. Nhiều học giả, ký giả viết sách giải nghĩa tại sao lại có địa danh này. Các vị đó cho rằng hai từ Cần Thơ là do hai chữ Cầm Thi mà ra. Cầm là đàn hát, còn Thi là thơ ca. Xứ này gạo trắng nước trong, cuộc sống người dân sung túc đầy đủ nên những buổi trời trong trăng sáng, người người dập dìu rong chơi trên sông nước. Họ đàn ca hát xướng, vui vẻ hưởng thụ cuộc sống phong phú, sung túc, thanh nhàn. Đó là lý do sông này được đặt tên là Cầm Thi Giang và đất này cũng trở thành đất Cần Thơ.

Tôi thấy giải nghĩa như vậy có cái gì không ổn. Đâu có đơn giản như vậy được! Cả nước Việt Nam từ Bắc chí Nam, sông Hương, sông Hồng, sông Đà, sông Lô, Bắc Ninh quan họ, … chỗ nào cũng có đàn ca xướng hát trong những đêm trăng thanh gió mát, đâu phải chỉ có ở Cần Thơ? Nếu như vậy thì tên Cần Thơ chỉ có từ khi người mình định cư trên vùng đất này. Thiệt vậy không? Vậy trước khi người Việt mình đến, vùng này có ai ở chưa, và họ đã gọi tên của nó là gì?

Nơi đây từ lâu rồi, thời Thủy Chân Lạp lận, người Miên gọi vùng này là Srok Trey Kìn Thor có nghĩa là Xứ Của Cá Sặc Rằn… Ở miền Nam cũng gọi loại cá này là cá dù tho, cá dừa tho, cá dề tho, cá lò tho… Từ chữ Kìn Thor biến âm ra chữ Cần Thơ. Nhưng đâu phải chỉ ở đây có chữ này. Ở dưới miệt lục tỉnh, nhiều sông rạch tỉnh này tỉnh kia cũng có tên là rạch Cần Thơ vậy. Có lẽ vì loại cá sặc rằn này sinh sôi nẩy nở quá nhiều.

Người xưa thường lấy tên sản vật, cầm thú hoặc tôm cá đặt tên cho địa phương mình sinh sống (Đồng Nai, Trảng Bàng, Cần Thơ, như Dương Đông, Thủ Dầu Một của tôi vậy)

VÕ KỲ ĐIỀN
Brossard, QC, le 29 septembre 2022

Nguồn: ảnh trích từ Internet 

CHU VĂN AN VÀ TÔI - VÕ KỲ ĐIỀN


Những ngày mới định cư ở Montréal, một thành phố lớn của Canada, tôi được người bạn thân rủ đi chơi Québec. Thành phố nhỏ, đẹp và xinh xắn y như một thành phố bên Tây (vì lúc nhỏ thường coi mấy hình chụp phong cảnh nước Pháp trong các sách vở, tạp chí). Hai đứa đi thang lang hết đường này sang ngõ kia, cảnh đẹp như tranh vẽ, tôi là dân nhà quê ra tỉnh, đâm mê man, ngó ngang ngó dọc. Chợt thấy một nhà hàng chuyên các món ăn Pháp thuần túy, có quảng cáo các món ăn ngon thêm câu ngộ nghĩnh – quý khách được coi tay miễn phí. Quảng cáo này hấp dẫn quá, tôi khoái chí kéo anh bạn bước vô liền. Sau khi ăn uống no nê, tôi đến bà thầy ngồi phòng bên cạnh, rụt rè chìa ra cái biên lai ăn uống và nhờ coi tay giùm. Gọi là bà chớ thật ra cô đầm này còn trẻ, độ chừng trên dưới ba mươi, đặc biệt là khá đẹp. Bà nắm lấy bàn tay tôi, tôi cảm thấy tay bà mát rượi, da đầm sao mà mượt mà, êm ái như nhung. Bà cười nheo mắt, chắc tại tôi hơi run…

Bà nói nhiều chuyện về đời tôi, đại khái tánh tình ra sao, ưa màu gì, tôi ưa số mấy, giao thiệp với bạn bè và hạp với bạn gái hay bạn trai… Tôi nghe vui vui và bất chợt bà nói câu này: – Ông là người có tài nhưng không biết sử dụng cái tài đó. Ông làm cái gì cũng bỏ dở nửa chừng… Rồi bà cười và kết luận: -Cho nên kể như ông không có tài năng gì ráo trọi, làm cái gì không ra cái gì. Lúc đó tiếng Tây tôi còn kém, giọng Québécois lại khó nghe, đại khái tôi hiểu ý bà là như vậy. Tôi tự ái, hỏi lại: – Xin bà vui lòng giải nghĩa cho tôi hiểu rõ hơn chỗ này… Bà chỉ cho tôi đường chỉ tay ngoằn ngoèo – rồi giải nghĩa, khi nhỏ, ông sanh ở một nơi cư ngụ một nơi, không theo một trường nào lâu dài, nay học trường này, mai học trường kia, làm quen bạn gái, nay cô này mai cô kia, chuyện gia đình cũng vậy, nghề nghiệp cũng vậy, nay làm nghề này, mai làm nghề kia, nhà cửa cũng vậy, các trò chơi trong đời cũng vậy… Ông mê thì mê man, hết mê rồi ông bỏ liền không luyến tiếc, tình cảm thì say đắm như nghệ sĩ nhưng lý trí thì của một ông thầy giáo chừng mực, thành ra đời ông cái gì cũng được có phân nửa, làm sao mà thành tựu lớn cho được, phải không nào, ông thử nghiệm lại coi. Rồi bà cười, ngay cả sống ở Việt Nam cũng có phân nửa đời thôi, bây giờ ông ở Canada nè… mà chưa chắc ở Montréal hoài đâu, rồi ông sẽ đi nữa…
Mùa xuân này, tôi đến cư ngụ tại Toronto. Buổi trưa nhận cú phone người bạn mới rủ viết về những kỷ niệm học ở Chu Văn An khiến tôi đâm nhớ miên man và lan man những thầy những bạn Chu Văn An, Chu Văn An… Những ngày tháng mới lớn. Lời của bà đầm chợt nhớ – Ông đâu có học trường nào lâu. Quả đúng y như vậy, chuyện học hành của tôi cũng lung tung, tôi học Chu Văn An chỉ trọn vẹn có một năm, năm Đệ Nhứt, niên khoá 1959 – 1960, tính đến nay là một đoạn thời gian quá dài đối với một đời người, có chuyện nhớ và chuyện quên…
Nhớ lại hồi đó, tôi hoàn toàn không có ý niệm nào về việc học, việc chọn ngành nghề. Hễ lớn lên là phải đi học, chớ không phải đi chơi. Như vậy là làm đủ bổn phận rồi, mà bổn phận đối với ai, đối với cái gì thì không biết, vì có ai nói gì đâu mà biết. Đậu xong Tú Tài Nhứt, khỏe quá tha hồ đi chơi, đi chơi… Có anh bạn hỏi: – Mày nộp đơn trường nào chưa? Tôi trả lời tỉnh queo: – Chưa, còn lâu mà! Anh ta trợn mắt, lâu gì mà lâu, còn có mấy ngày nữa là hết hạn nộp đơn vô mấy trường công rồi, coi chừng không kịp, nộp đơn xong còn phải chờ cứu xét chấp thuận, nếu được thì hay quá, không được thì năm nay mày học ở đâu? Tôi nghe mà đâm lo: – Theo mày thì bây giờ tao phải làm sao? Anh bạn nói, mày chỉ còn cách nộp đơn vô học Chu Văn An thôi, vì mày đậu Bình Thứ, đương nhiên được nhận, chớ mày nộp Pétrus Ký thì phải chờ cứu xét, rủi đông quá, thì có thể không được.
Tôi bèn ba chưn bốn cẳng xách đơn vô nộp Chu Văn An mà run trong bụng. Việc được học trường này là đương nhiên rồi vì có quy định rõ ràng cho người đậu cao, nhưng không phải run vì việc đó, mà tôi là dân Nam kỳ, đáng lẽ phải xin học Pétrus Ký. Trường Chu Văn An là của Bắc kỳ, nghe nói học sinh Bắc Kỳ khôn ngoan, lanh lợi và ma mãnh, lại ưa đánh lộn lắm. Tụi nó đánh lộn với tụi học sinh Kỹ Thuật Cao Thắng hà rầm… Tụi Cao Thắng là dân thứ dữ, ưa dùng bù lon, kềm búa, mà không sợ, lại dám đánh lộn thì chắc là phải dữ hơn, tôi đoán vậy. Tôi vốn ở tỉnh nhỏ và chưa quen gặp gỡ bạn bè người Bắc nhiều, thuở đó người Bắc và người Nam còn xa lạ lắm, chớ không như bây giờ.
Trường là một dãy lầu hai từng, trong khuôn viên trường Pétrus Ký, trên đường Cộng Hòa, nó vốn là ký túc xá cho học sinh nội trú, bây giờ được dành ra cho Chu Văn An từ ngoài Bắc di cư vô, có hàng rào kẽm gai ngăn đôi hai trường ra. Ở ngay cổng ra vào cạnh Pétrus Ký có quán bán bánh cuốn nóng nhưn thịt của vợ con bác tùy phái. Bánh cuốn rất ngon và thơm lừng mùi củ hành phi, không lúc nào vắng khách hàng. Tôi còn nhớ, có lần đương học, đói bụng quá, thèm ăn bánh cuốn, trốn học lén ra quán ngồi ăn, bị ông Tổng (giám thị) Lãng đi ruồng, chạy trốn muốn chết, ngày đó bỏ học, lang thang ra chợ Sài Gòn, chun vô coi hát cho hết ngày. Ngày đầu tiên vào lớp, tự nhiên đám Nam Kỳ tụi tôi được chừng chục đứa, sớm làm quen nhau và giành ngồi hết mấy dãy đầu bàn. Mấy bạn còn lại ngồi chỗ nào, tôi không nhớ. Tôi may mắn gặp lại được các bạn thân là Huỳnh Thiếu Hoa và Chiêm Thanh Hoàng, hai bạn này cùng học Văn Lang với tôi năm vừa qua. Bàn sau lưng tôi là Triệu Quốc Mạnh, Trương Bửu Sum, Võ Văn Nho, Huỳnh Quảng…
Như vậy trước là thầy, xung quanh tôi là bạn thân hết, có gì mà sợ. Mà quả tình cũng không có gì đáng sợ. Ngày qua ngày, các bạn Bắc cũng hiền lành, cũng ham học, cũng lễ phép… y như tụi Nam chúng tôi và cũng chưa thấy tụi nó đánh lộn lần nào. Nhưng mà chưa chắc giống y, hình như tụi Bắc học giỏi hơn. Tôi thuộc hạng thông minh và khá giỏi, ở mấy trường cũ, Nguyễn Trãi, Văn Lang… thầy giảng bài là hiểu ngay liền, không thua đứa nào. Nhưng mà bây giờ mỗi lần làm bài tập so điểm lại thua vài đứa, nhứt là Nguyễn Hoàng Giáp, ngồi bên góc trái, tận phía sau. Tay nầy ốm ốm đen đen, hơi xấu trai, lầm lầm lỳ lỳ mà sao học hay quá, môn gì cũng nhứt lớp. Tôi đâm ra khó chịu, ganh tức và tìm cách chọc phá.
Nguyễn Hoàng Giáp ngồi tuốt phía sau. Mỗi lần thầy viết bài học trên bảng, thì Giáp đi lên trên cạnh chỗ tôi ngồi, đóng cánh cửa sổ lại, để ánh sánh đừng phản chiếu chói chang, cho dễ thấy. Tôi chờ khi Giáp quay lưng, đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa mở ra và ngồi im. Khi Giáp quay về tới chỗ, thì vẫn không đọc được bài. Giáp tưởng là cửa đóng không kỹ bị gió thổi tung ra. Giáp kiên nhẫn đi trở lên và đóng cửa lại kỹ càng, khi quay lưng đi thì Trương Bửu Sum lẹ tay tháo chốt cửa và mở toác ra… rồi cũng ngồi im ngoan ngoãn. Giáp trở về, nhìn lên bảng đen chói chang, biết có đứa phá và không biết đứa nào, giận dữ và chửi đổng – đồ khốn lạn, lạn, lạn, lạn,… giọng Bắc của Giáp nặng sệt và kỳ cục, giọng Nghệ An – Hà Tĩnh gì đó, vang vang giữa lớp nghe lớn lắm, chữ lạn kéo dài ngoằng. Mấy thằng Nam tụi tôi nhái giọng của Giáp chửi lại – đồ khốn lạng, cũng lớn không thua gì giọng Giáp. Giọng Nam của chúng tôi cũng nghe kỳ cục lắm, khốn lạng, lạng, lạng… Cả lớp lúc đó không còn Nam, Bắc gì hết, xúm nhau lại mà cười rần rần. Giáo sư đang giảng bài là cha Khiết, dạy Triết, cha mặc áo chùng thâm, hiền thiệt là hiền, giữa trưa nóng bức, nghe cả lớp cãi lộn cũng ngừng lại hỏi, các con làm gì mà ồn thế…
Bạn Nguyễn Hoàng Giáp nghe đâu sau này là Tiến sĩ Dược Khoa và là giáo sư Đại Học Dược rồi hình như nhập ngũ. Bạn có thời là Giáo sư Trường Võ Bị Đà Lạt hay Kinh Tế Chánh Trị, Kinh Doanh gì đó, tôi nghe như vậy mà không chắc… Nếu bạn Giáp tình cờ mà đọc được những dòng này thì cười lớn một phát nghen và cứ tha hồ chửi tiếp, cái thằng Võ Tấn Phước này khốn lạn thiệt tình…
Cha Khiết, dạy môn Triết thiệt là khó hiểu. Cha không soạn bài, mỗi buổi có giờ dạy thì cha cầm cuốn Triết Học Khảo Luận của Cao Văn Luận, vừa đọc vừa giải nghĩa. Giọng cha trầm trầm như đọc kinh. Giữa trưa, nóng bức, lớp học lại đông, không ai còn ham muốn nói chuyện nữa, thiệt là buồn ngủ hết sức. Vậy mà có buổi vui ghê, quên luôn cả việc ngủ gục. Số là vào những ngày gần lễ Giáng Sinh, cha không dạy bài trong chương trình. Cha nói chuyện Chúa Hài Đồng được sanh ra ở thành Bethlehem. Chúa ra đời ở máng cỏ ở một xứ sa mạc hoang vu, chuyện sanh nở chỉ trong vài giờ mà cha nói gần hai tuần, vẫn chưa hết… Sau khi nghỉ lễ vô, thì cha nói tiếp những đêm vui Giáng Sinh ở Pháp, ở Anh, ở Hòa Lan, ở Na Uy… rồi cuối cùng cha nói tới lễ Giáng Sinh Hà Nội. Có đứa vọt miệng hỏi: – Thưa cha, tại sao trong đêm Giáng sinh người ta phải ăn réveillon bằng ngỗng. Cha nói đó là tập tục ở Âu Châu, có từ lâu đời. Sau đó cha nói tiếp, ở ngoài Bắc đâu có ngỗng mà ăn, người ta ăn réveillon bằng thịt chó, có gì ăn nấy chớ không bắt buộc.
Việc ăn thịt chó lúc đó còn quá xa lạ đối với học sinh Nam chúng tôi và điều đó cũng là thứ cấm kỵ. Cả đám đâm ra vô phép hỗn hào với cha: – Cha ăn thịt chó, cha ăn thịt chó… Tôi cứ tưởng là Cha sẽ giận dữ và rầy la, nào ngờ Cha cười hiền hòa và nói: – Ừ ừ, Cha có ăn và thịt chó ngon lắm. Chúa sanh ra muôn loài để cho người ăn thịt như mình ăn thịt bò, thịt heo, thịt gà vậy… Nghe Cha nói, tôi chưng hửng và thấy mình sai lầm.
Cha Trần Trinh Khiết chắc đã mất từ lâu rồi, tôi nghĩ như vậy nhưng dáng điệu, cử chỉ khoan hòa, từ ái của Cha, tôi còn nhớ mãi. Cha đúng là nhà tu hành và là nhà giáo đầy đạo hạnh. Tôi đem tâm phân biệt, chấp trước nặng nề mà phê phán Cha, khó mà tha thứ được, vậy mà Cha không để ý đến, coi như là không có… Bây giờ đây tuổi đời khá cao, chuyện đời đã trải, ngọt bùi, chua cay, đắng chát, nếm hết, tôi kính phục thương mến Cha nhiều hơn thời còn đi học. Tôi tuy học được những bài Triết khô khan nhưng không học được công phu hàm dưỡng của cha. Lớp Đệ Nhứt của tôi năm ấy 47 học sinh, thấy chơi nhiều hơn học. Vậy mà thi kỳ nhứt đậu ngay 43 đứa và 4 bạn còn lại cũng đậu nốt kỳ nhì. Toàn là đậu hạng cao, chỉ có vài bạn đậu Thứ. Ngộ ghê chưa. Chu Văn An thiệt là giỏi.
Năm ngoái tôi có nói chuyện với bạn Chu Văn An cũ là Chiêm Thanh Hoàng, Thiếu tá Lôi Hổ hay Biệt Kích gì đó, Chủ tịch Hội Ái Hữu Võ Bị Đà Lạt, hiện nay ở Boston. Hoàng nhắc lại Chu Văn An của chúng tôi ngày xưa và hỏi tôi còn nhớ Triệu Quốc Mạnh? Tôi nói: – Còn chớ sao không, cái thằng hiền lành, mập mập. Hoàng cười: – Nó mà hiền, mày có biết bây giờ nó làm gì không? Tôi trả lời tỉnh queo: – Không. Rồi hỏi: – Nó làm gì, khá không, có vượt biên như anh em mình không?
Hoàng cười chua chát và cho tôi biết, sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức thì Trang Sĩ Tấn cũng từ chức theo, luật sư Triệu Quốc Mạnh thay thế chức vụ Tổng Giám đốc Công An Cảnh Sát thành phố Sài Gòn trong Chánh phủ Trần Văn Hương và Dương Văn Minh. Sau ngày mất nước thì Triệu Quốc Mạnh được trọng dụng và làm lớn hơn nữa, nó vượt biên như anh em mình để làm chi.
Bà thầy coi chỉ tay nói tôi nhiều chuyện, đúng hay sai thì bây giờ chưa biết được. Nhưng chuyện bà nói tôi thường hay đổi trường và học trường nào cũng chỉ có phân nửa thì thiệt là đúng. Nếu tôi học một trường thiệt dài, thiệt lâu như các bạn ở Chu Văn An, Pétrus Ký, Võ Trường Toản, thì có thể hy vọng tôi sẽ giỏi hơn nhiều. Tôi chỉ học Chu Văn An vỏn vẹn có một năm, tiếc quá…
Hình ảnh trung học Chu Văn An tọa lạc khu ngã sáu Cộng Hòa, cạnh bên Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành với hai dãy lầu im lìm, cũ kỹ rêu phong, thấp thoáng trong các tàn lá còng xanh mướt, vẫn còn lưu luyến hoài trong mớ ký ức bề bộn… (sau đó trường sở đổi thành Đại Học Sư Phạm và tôi cũng lại tiếp tục học nơi đây). Nhớ về ngôi trường cũ một thời chợt đến, chợt đi, tuy thời gian có ngắn, có dài nhưng đó cũng là khoảng thời gian đẹp của tuổi hoa niên. Tính ra ngày đó tôi còn trẻ măng, bây giờ già ngắt già ngơ, gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Tìm đâu cho ra thời thơ mộng cũ?

Võ Kỳ Điền
31-10-2008
Nguồn: Internet

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

VỀ MỘT TỪ TRONG BÀI THƠ “QUA ĐÈO NGANG” CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN. - VÕ KỲ ĐIỀN

 


Năm 1943, giáo sư Dương Quảng Hàm cho xuất bản cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu, trong đó có trích dẫn bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan. Và kể từ đó bài thơ này được phổ biến rộng rãi trong chương trình bậc trung học và được làm mẫu mực thể thơ Đường luật trong các sách giáo khoa nước ta. Hầu hết các tác giả soạn sách văn học VN đều có trích dẫn bài này. Nguyên văn bài đó như sau:
Qua Đèo Ngang
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Sau một thời gian có một số học giả cho rằng giáo sư đã viết sai chữ “chợ” trong câu “Lác đác bên sông, chợ mấy nhà” của bà Huyện Thanh Quan. Đáng lẽ ra phải là chữ “rợ mấy nhà” mới đúng. Các vị đó cho là ở vùng núi rừng hoang vu làm gì có chợ, chợ thì phải nhà cao cửa lớn, dân cư đông đúc. Nơi đấy có vài căn nhà tranh vách lá xiêu vẹo của dân tộc thiểu số thôi. Dùng chữ “rợ”để chỉ đồng bào Thượng mới chính xác. Và kể từ đó rất nhiều bạn đọc đã tin và nghe theo vì thấy hợp lý.
Tôi không nghĩ vậy. Trước hết là bài này của bà Huyện Thanh Quan sáng tác mang đầy tính ước lệ theo khuôn phép nho gia. Các thi nhân cổ đều ảnh hưởng nền văn học Trung Hoa. Khi họ sáng tác thi ca đều bắt nguồn từ điển cố Trung Hoa cổ. Chúng ta thử đọc lại từ Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc… sẽ thấy rất rõ. Đừng nói chi xa, tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương “Hòn Vọng Phu” ngày nay vẫn còn nhắc đến các địa danh và các chuyện bên Tàu. Hưống chi bà Huyện Thanh Quan sống trọn vẹn trong cái nền văn học cổ xưa đó.
Chữ “chợ mấy nhà” này tôi thấy gốc gác nó từ bức họa nổi tiếng của Tống Địch trong Tiêu Tương Bát Cảnh. Đây là một đề tài quen thuộc trong văn học cổ. Hai con sông Tiêu, sông Tương hợp lưu ở huyện Linh Lăng tỉnh Hồ Nam Trung Quốc nên gọi chung là Tiêu Tương. Dọc bờ sông có rất nhiều cảnh đẹp:
瀟湘夜雨 Tiêu Tương dạ vũ (Đêm mưa ở Tiêu Tương).
洞庭秋月 Động Đình thu nguyệt (Trăng thu trên hồ Động Đình).
山市晴嵐 Sơn thị tình lam (Chợ núi lúc trời quang).
江天暮雪 Giang thiên mộ tuyết (Tuyết rơi trên sông buổi chiều).
遠浦歸帆 Viễn phố quy phàm (Thuyền buồm trở về từ bến xa).
煙寺晚鍾 Yên tự văn chung (Tiếng chuông chiều trong chùa đầy mây khói).
漁村夕照 Ngư thôn tịch chiếu (Ráng chiều rọi vào thôn chài).
平沙落雁 Bình sa lạc nhạn (Chim nhạn đáp xuống bãi cát phẳng).
Phần lớn các thi nhân xưa khi tả cảnh đều lấy Tiêu Tương Bát Cảnh này làm mẫu mực. Cũng vậy câu “chợ mấy nhà” bà Huyện có xuất xứ từ cảnh “Sơn Thị Tình Lam” của Tống Địch, có nghĩa là “chợ phố núi vào lúc trời trong”.
Đó là cái ký ức vang vọng (réminiscence) của nền văn học Trung Hoa trong thơ văn cổ. Chỉ có vậy thôi, bàn cao xa quá e rằng không đúng ý người xưa. Thực tế cũng không mấy khi thấy người dân tộc thiểu số “rợ” làm nhà ở ven sông…

VÕ KỲ ĐIỀN
(Brossard. QC. 28-8-2022)
Nguồn : Internet

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

MỘT VÀI CHUYỆN TỪ CÂU CA DAO TRÁI BẮP NƯỚNG - VÕ KỲ ĐIỀN

 




Mấy ngày nay tôi khó ngủ. Hễ có việc gì lo lắng thì cứ trằn trọc hoài mà có phải chuyện lớn lao gì đâu. Chẳng qua vì một câu ca dao cũ, tự nhiên được nhớ lại gây phiền hà. Nhưng cũng không phải là không có lý do. Tại vì mùa bắp đã tới hồi nào không hay không biết. Mà hễ nghe nói tới bắp là lòng tôi nôn nao. Có lần một bạn thân VN mới qua thăm, vui miệng tình cờ hỏi:- Anh ở đây lâu lắm rồi, trong các thực phẩm, món gì ngon nhất mà anh đã từng ăn? Tôi trả lời ngay không đắn đo:- trái bắp xứ Canada nầy.
Thiệt ra thì cũng còn có rất nhiều sơn hào hải vị nhưng tôi đâu có giàu sang dư dả gì mà được thưởng thức nhiều hơn. Cái gì đã được ăn rồi mới dám nói. Ở đây có hai món ăn mà tôi rất thích. Một là tôm hùm, hai là bắp non mới hái. Tôm hùm được đánh bắt từ các tỉnh ven biển Québec cũng được người người ca tụng, để thủng thẳng sẽ kể sau. Còn bây giờ đang mùa hè, bắp đã chín rộ nhiều rồi, được bán đầy lề đường, trong các chợ, không ăn ngay để lâu mất ngon.
Tôi lòng vòng về chuyện trái bắp là tại nhớ tới cái câu ca dao quen thuộc đất Sài Gòn thân yêu - “Bắp non mà nướng lửa lò, đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”. Câu nầy khi đọc lên thì ai cũng hiểu hết. Nó đơn giản như tâm tình dân miền Nam nầy. Trái bắp còn non mới hái mà đem nướng trên lửa than hồng thì thơm ngon phải biết. Như cô chèo đò mỗi ngày đưa khách qua sông nhìn hiền lành xinh xắn dễ thương nhưng không phải dễ tán tỉnh đâu. Câu ca dao coi vậy mà tượng hình quá đỗi, cô gái chèo đò được ví với trái bắp nướng thơm ngon. Ai nghe cũng phát thèm! Nhưng điều làm tôi mất ngủ không phải là câu chuyện chèo đò hay trái bắp nướng, hoặc hình ảnh của đôi trai gái hẹn hò, dê qua dê lại.
Mà tại cái chữ “ve” trong câu ca dao mắc dịch đó. Mỗi lần nghĩ tới nó là tôi khổ sở. Ve là gì? Là ve vãn chớ còn gì nữa. Paulus Huình Tịnh Của định nghĩa như sau: -trêu chọc làm cho kẻ khác xiêu lòng. Con trai khi gặp con gái đẹp thì tò tò lẽo đẽo đi theo, tìm mọi cách để rù quến cho người đẹp để ý mà mê mình. Đúng là như vậy. Nhưng “ve” rất giống ”dê”. “Dê” là gì, cũng trong Quấc Âm Tự Vị Huình Tịnh Của đã nói về máu dê: -tiếng cười người đa dâm hay ve vặt. Vậy ve và dê về cử chỉ, thái độ, hành động ý nghĩa giống y như nhau. “Ve” và “dê” có phải là một, chữ nầy biến âm ra chữ kia hay không? Tại tôi là thầy giáo nên cứ thắc mắc cái vụ nầy. Đây mới là vấn đề tôi nhức đầu.
Chữ “ve” có phụ âm là “v” thuộc âm môi (b, v, m, ph) Chữ “dê” có phụ âm là “d” thuộc âm răng (t, đ, n, l, x, d). Về luật ngữ học (linguistique) thì khi biến đổi âm của một từ, không có chuyện từ của âm vùng nầy đổi qua từ của âm vùng kia. Trong miệng có bốn vùng phát môi là môi, răng, cúa (khẩu cái) và lưỡi. Từ âm môi “v” không thể biến sang âm răng “d” được. Một từ chỉ có thể biến âm cùng chung vùng với nhau, âm của môi chỉ được biến cùng các phụ âm khác của môi mà thôi (ví như vũ là mưa, vũ là múa, phòng là buồng, phóng là buông....) Phụ âm răng, lưỡi, cúa cũng vậy.
Như vậy “ve” không thể biến thành “dê” dược. Đó là về luật ngữ học quy định. Nhưng tại sao ve và dê ý nghĩa lại giống hệch nhau? Đố ai ve 😊 dê) được con đò Thủ Thiêm. Đến giờ nầy cái thắc mắc của tôi vẫn còn y nguyên. Nói ve cũng được mà dê cũng được. Tôi cho rằng hai chữ nầy tuy nghĩa giống nhau nhưng không có liên hệ gốc gác gì hết Thôi, đừng ve mà cũng đừng dê, cánh đàn ông nam nhi chúng ta xúm... o mèo đi, cùng một nghĩa như nhau mà.
Lại thêm rắc rối nữa. “O” là gì và “mèo” là gì? Chịu thua luôn. Lại phải truy ra Từ Nguyên hoặc Nguyên Ngữ Học. (Học giả An Chi có giải thích “mèo” gốc chữ Hán là 媌, (bộ Nữ + Miêu) mà âm Hán Việt hiện đại là mao/mão, có nghĩa gốc là kỹ nữ. Sự chuyển dịch từ “kỹ nữ” sang “mèo” là chuyện thực sự dễ hiểu và bình thường về ngữ nghĩa học. Tôi không đồng ý chữ “mèo” là “kỹ nữ” nầy. Đi “o mèo”sao lại có nghĩa là “đi tán tỉnh ve vãn kỹ nữ “ được. Không có chuyện tiền bạc gì trong chuyện “o mèo”
Tôi cho rằng “o” gốc từ “o bế” cũng giống như ve vãn, còn “mèo” là cử chỉ điệu bộ của người con gái dịu dàng giống như con mèo. Giải nghĩa như vầy là suy đoán theo kiểu bình dân, không biết đúng không vì chưa chắc. Phải tìm coi hồi xưa chữ “mèo” nầy do chữ nào biến âm và thời đó “mèo” nghĩa là gì. Phải là gốc từ nguyên cổ mới chắc được. Bạn có còn dám dạy tiếng Việt nữa không. Tôi thì sợ lắm rồi, may là đã bị bỏ nghề hồi còn rất trẻ. Ai cho rằng tiếng Việt nghèo nàn nên suy nghĩ lại, nó phong phú biết bao nhiêu! .
Chuyện chữ nghĩa xin để một bên, đợi chờ cao kiến bạn đọc giúp đỡ. Đang nói về trái bắp, xin kể lại một kỷ niêm nhỏ cho vui. Tôi có một giai đoạn lâu dài cư ngụ thành phố Toronto ở Canada. Chuyện nầy không có gì đáng nói nếu bên cạnh thành phố nầy trên trăm cây số, có một phong cảnh du lịch đẹp đẽ hùng vĩ nổi tiếng nhất thế giới. Đó là thác nước Niagara Falls, thác nước hình móng ngựa nầy nhìn phía bên Canada đẹp hơn bên Mỹ. Người ở phương trời xa, ai ai cũng ước ao một lần trong đời được chiêm ngắm nó, bỏ qua là một ân hận. Mùa hè ấm áp là mùa du lịch thích hợp nhất sau mùa đông dài lạnh lẽo lê thê. Bạn bè ghé thăm thủ phủ Toronto xong, thế nào cũng phải dành thì giờ để ghé thăm thác nước. Một năm tôi vui vẻ làm hướng dẫn viên du lịch cho bạn bè ở xa vài ba lần, đi hoài nhưng không chán. Bởi vì trên đoạn đường dài, tôi không chọn xa lộ lớn mà lựa chọn đường làng quê êm ả để đi ngang qua thành phố cổ Niagara-on-the-Lake đầy hoa, các trại nho với màn cho khách thử thứ rượu tuyết đặc phẩm Ice wine ngọt ngào miễn phí... Chán sao được, không mê sao được.
Buổi trưa đó bận về trời chiều mát dịu, xe lướt bon bon trên đường làng, hai bên là rẫy bắp xanh mướt bạt ngàn. Từng vạt bắp nối tiếp nhau trên từng cây số. Cái xứ Canada nầy người thì ít chớ đất thì rộng mênh mông. Mà bắp vùng nầy thì cũng được trồng quá nhiều, ăn sao cho hết. Trên xe bạn bè cười nói đông vui. Bỗng dưng có bà bạn nói -bắp quá nhiều tại sao mình không hái một mớ để chiều về nhà ăn chơi. Cả đám ai cũng đồng ý. Tôi đang lái xe, suy đi nghĩ lại thì lo sợ. Trời ơi, một đồng bạc mua tới được mười hai trái. Bỏ ra mười đồng mua được một trăm hai chục trái, ăn bể bụng luôn. Hái trộm như vầy rủi bị người ta bắt gặp thì ăn nói làm sao. Ăn cắp là xấu hổ lắm. Tuy là sợ nhưng bạn bè xúi giục quá đi, tôi nhìn trước nhìn sau thiệt xa thấy không có ai, cũng từ từ tìm chỗ ngừng xe lai tắp bên lề đường. Các bà túa xuống nhanh nhẹn chạy vô rẫy bắp ngắt hái liên hồi. Tôi mở cốp thùng sau xe chờ sẵn và tiếp tay quăng bắp vô. Chỉ trong chốc lát, nguyên một thùng xe rộng lớn đã đầy nhóc bắp xanh. Trái nào trái nấy to lớn chắc nịt mập tròn, tươi non mơn mởn. Xong rồi, vui ơi là vui.
Tôi vừa lái xe, kể lại chuyện vừa suy nghĩ trong đầu cho các bạn nghe - ngày mai trên trang nhứt các báo ở Toronto, ở New Jersey và bên San Jose đăng một tin hấp dẫn là một đám người Việt Nam có danh phận, người thì giáo sư, người thì là bác sĩ, người là dược sĩ... đi ăn cắp bắp ngoài ruộng vắng. Mấy bà nhao nhao lên biện hộ, nói tại không thấy chủ, chớ có chủ thì tôi mua hoặc xin, chớ ai ăn cắp làm chi. Cả đám xúm nhau mà cười rần rần.
Về tới nhà chưa kịp tắm rửa, việc đầu tiên là tôi đem bắp ra luộc. Lấy cái nồi lớn nhất trong nhà. bỏ vô chút muối cho bắp ngọt hơn. Xong rồi, tất cả háo hức để thưởng thức chiến lợi phẩm vừa chiếm đoạt được. Một bà bạn ăn trái bắp đầu tiên, thất vọng nói lớn -sao mà cứng ngắc vầy nè. Tôi cầm lấy một trái còn nóng hổi và thử cắn một miếng. Trời ơi muốn gãy răng luôn. Và chợt hiểu liền, bắp nầy nhà nông trồng để lâu chín thiệt già cho bò ăn, chớ không phải dành cho người... như tụi tôi. Còn thắc mắc, tiếc nuối gì nữa, bèn đem đi bỏ, để chình ình một đống ở đó, thấy mà tức ứa gan. Tôi phải dùng tới mấy bao rác lớn, ì ạch khiêng ra thùng rác bên sau hè nhà, đi không nổi nặng muốn gãy xương sống luôn!
VÕ KỲ ĐIỀN , Brossard. QC 3 Sep 2022
GHI CHÚ: - theo quyển "Tiếng Nói Nôm Na - sưu tầm dân gian" của Lê Gia, nxb Văn Nghệ tp HCM (1999), do bạn Tran NK ở Toronto (Ontario) gởi tặng thì:
O: do chữ ô (圬) là cái bay của thợ nề/hồ dùng để xoa vuốt cho nhẵn láng mặt vách tường... chỉ sự vuốt ve, làm đẹp
- O bế: vuốt ve, nâng niu, làm cho láng lẩy, do chữ "bế" (嬖 là nâng niu, show favor to a woman)
-O mèo: vuốt ve, tán tỉnh, bắt nhân tình vụn với những cô gái buông thả - mèo, do chữ "miều" (?), cũng đọc là miêu (媌), đồng âm với chữ "miêu" (猫) là con mèo, là cô gái lãng mạn, lẳng lơ, buông thả.
(Hình như chữ "miêu" (媌) chỉ có nghĩa là kỹ nữ trong tiếng Quảng Đông và Phúc Kiến, lúc đó lại đọc là "ba", còn thì có nghĩa là "đàn bà con gái")
*Nguồn: Internet
TB: Tên và tác phẩm của Huình Tịnh Của, tôi không dám sửa một chữ vì đó là một tác giả lớn của văn học VN.
Tên người ta dù viết đúng hay sai không bất cứ ai có quyền sửa chữa. Đó là bất kính và phạm luật. Bên Pháp có nữ thi sĩ George Sand, viết không S, mà chữ Georges nào cũng phải có S, không ai được viết sai tên bà.
Tên đúng ông ghi trên sách là Huình Tịnh Paulus Của, Nhà in Rey, Curiol, số 4 đường D, Adran. Sách xuất bản năm1895 tại SAIGON


Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

CHUYỆN MỘT CON CHÓ CON - Võ Kỳ Điền

 






Một buổi sáng có cặp vợ chồng bạn từ phương xa đến thăm chúng tôi. Tôi đang chờ và khi nghe tiếng chuông cửa reo vang tôi vội vàng bước ra tiếp bạn. Hai ông bà Mai -Cồ (Michael) đã xuất hiện trước mặt dáng vẻ tươi tắn khỏe mạnh. Tôi và nhà tôi vui vẻ chào hỏi cặp đôi bạn thân tình nầy. Con chó nhỏ Mi Sa không cần biết ai là ai, cũng tuôn ra cửa, chạy lăng quăng sủa inh ỏi không ngừng. Vì ông bà nầy đến từ thành phố Calgary thuộc vùng nói tiếng Anh nên tôi theo thói quen vọt miệng la rầy con chó con lông xoắn như tuyết trắng bong nầy: -Mi Sa im cái miệng lại (Mi Sa, shut up!). Con chó nhỏ nầy đã được nhà tôi đặt tên ngay là Mi Sa từ lúc mới mua về.
Câu nói vừa thốt ra khỏi miệng chợt thấy ông khách đứng chựng lại, tôi sực nhớ lại một chuyện quan trọng, mặt mày đỏ bừng bừng, làm sao bây giờ, làm sao xin lỗi bây giờ, quê ơi là quê! Nhà tôi cũng lỡ khóc lỡ cười, đỡ lời với khách: chồng tôi ảnh không biết chuyện nầy, xin ông bà thứ lỗi. Hai ông bà bình thản trở lại, ha hả cười lớn ôm vai tôi và nói -đừng bận tâm không có gì đâu. Đâu có gì quan trọng đâu. Cả buổi sáng hôm đó tôi mỗi lần thấy con Mi Sa chạy chơi quanh quẩn là nhớ tới câu -Mi Sa câm miệng lại. Trời ơi, cái câu nói thiệt là kỳ cục, tại sao tôi lại ăn nói sỗ sàng tới như vậy.
Câu chuyện là như vầy, phải nói ra các bạn mới rõ dầu đuôi. Cặp vợ chồng nầy gốc là người Nga vì tỵ nạn chánh trị nên qua Canada xin định cư ở vùng Calgary thuộc tỉnh bang Alberta. Ông vốn là kỹ sư và bà là dược sĩ, khi chưn ướt chưn ráo qua xứ mới nên phải học lại lấy bằng chuyên môn tương đương để hành nghề sinh sống. Việc nầy cũng giống y hệch như người tỵ nạn Việt Nam chúng ta vậy. Nhờ đó mà bà vợ ông quen với nhà tôi vì đồng hoàn cảnh nên trở nên thân tình và hai bà khá hạp tánh nhau. Bà Melina rất điềm đạm, hiền lành và sống đầy tình nghĩa. Như vậy tên ông là Mai Cồ, tên bà là Melina, đó là những gì tôi biết được và khi chào hỏi hay trong các câu chuyện giao tiếp, tôi thường dùng hai tên nầy.
Nhà tôi rất thích nuôi chó nên có lần mua được một con chó con lông trắng như tuyết, hai con mắt tròn đen thui như hai hột nhãn, thân hình nhỏ xíu nặng cở chừng ba bốn kí lô, trông thật dễ thương, thuộc giống chó Maltese (Maltais) thì mừng lắm ôm ấp nựng nịu suốt ngày. Nhà tôi biết được giống chó khôn ngoan dễ thương nầy là nhờ ông Mai Cồ cố vấn cho. Nên khi đặt tên thì lấy ngay tên ông mà đặt. Cũng cùng môt tên nhưng ở Canada thì là Michael nhưng lúc bên Nga gọi ông là Misa. Vậy kể từ đó con chó nhỏ trắng bong nầy có tên là Mi Sa. Con Mi Sa rất thông minh, thường đi quanh quẩn trong nhà, lại ưa sủa. Hể có ai đi gần nhà là nó sủa inh ỏi. Nhà rộng lớn nhiều phòng lại ít người, nhờ có nó mà tôi khá yên tâm, đỡ lo chuyện trộm cắp. Có lần cả nhà đi chơi vắng có kẻ xấu lén cạy cửa sau để vô ăn trộm. Khi vợ chồng tôi đi về tới nhà thì thấy cửa có dấu bị cạy xeo trầy xước lổ chổ. Không biết con Mi Sa sủa thế nào mà anh ăn trộm sợ hãi đã bỏ chạy để lại toàn bộ đồ hành nghề kềm, búa, xà ben.
Con Mi Sa nó dễ thương và khôn ngoan giúp đỡ tôi tốt đến vậy, nào ngờ sáng nay nó lại khiến tôi thê thảm. Có một sự lầm lẫn trầm trọng. Ai đời, có bao giờ khách đến nhà thăm vừa mở miệng chào hỏi thì bị ông chủ nhà kêu tên khách to lên và ra lịnh oang oang -Mi Sa câm cái miệng lại. Chủ nhà gì mà đón khách kỳ cục vậy! Ông chủ nhà kỳ cục nầy là tôi đó. Tự nhiên tôi bị lâm vào cái cảnh dở khóc dở cười. Và trên cái cõi đời gặp cảnh trớ trêu nầy chắc chỉ có mình tôi thôi.
Cách đây vài tháng chúng tôi cũng có đến Calgary thăm ông bà Mai Cồ và được ông bà dẫn tham quan các cảnh đẹp của rặng Rocky Mountain hùng vĩ nơi đây. Tôi choáng ngộp trước những núi non xanh đen cao chớn chở chạy dài đến tận chưn trời. Trên các đỉnh núi có nhiều hồ nước ngọt và hồ nước Louise trong xanh màu ngọc bích đẹp nổi tiếng đến khó quên. Rồi đến thăm phố núi Banff đầy màu sắc quyến rủ đông nghẹt du khách vãng lai. Nào là đường mòn, nào là thác nước, nào thung lũng sông sâu suối rộng, nào là hang động thiên nhiên với lô nhô thạch nhũ ngàn năm... Bao nhiêu là cảnh đẹp trời đất gom lại nơi đây. Làm sao tôi quên được trong đời có lần mình được tắm trong dòng suối nước nóng mà trên đầu tuyết lông ngỗng bay phơi phới đầy trời vào mùa đông xứ lạnh Calgary.
Ông Mai Cồ cũng là tay thích đi săn. Ông thường săn nai tuần lộc (Reindeer - caribou) và thuê trực thăng đi câu cá bơn (halibut fish) ở miệt Vancouver. Sau nhà ông có một cái tủ đá đông lạnh (freezer) rất lớn chứa đầy thịt cá săn được, để dành ăn cả năm. Có bận nhà tôi ghé qua chợ mua một bộ đồ nấu lẫu Nhựt Bổn, cùng thịt bò, tôm, mực và rất nhiều rau cải Việt Nam mình. Bà Melina lấy ra trong tủ đá một tảng cá halibut to cở hai kí lô. Khối thịt cá trắng bong và sau khi rả đông thì tươi rói. Buổi ăn chiều đó vợ chồng tôi lần đầu được biết mùi vị thơm ngon của cá halibut. Ở Québec tôi cho rằng cá tầm (esturgeon) là ngon số một, đến khi được ăn cá halibut thì tôi không biết con nào ngon hơn. Chúng giống nhau ở chỗ hương vị cá mà thơm ngon như thịt, cũng giống nhau ở chỗ các xương không cứng mà lại mềm như sụn, khi ăn mình nhai sừng sực rồi nuốt luôn. Tất cả ngon ngọt trộn lẫn nhau trong miệng rồi tuôn xuống bao tử hồi nào không hay biết.
Ông Mai Cồ sức ăn rất là mạnh vì người rất cao lớn to con và hoạt động thường xuyên. Ông rất thích đồ ăn và cách nêm nếm nhiều gia vị của Việt Nam mình. Khi ăn chả giò, ông húp luôn chén nước mắm pha chế để kèm bên. Sáng nào cũng rủ nhau đi ăn phở ở ngoài phố Calgary và lúc nào ông cũng ăn hai tô đặc biệt bỏ vô đầy rau, giá. Khi ăn xong dưới đáy tô không còn một giọt nước nào. Hình như ông vẫn còn muốn ăn thêm nữa...
Tôi rất quí mến hai ông bà nầy. Tánh tình hiền lành, không khách sáo, hoa mỹ, dễ gần, thân thiện, sống thành thật, giản dị, hồn nhiên. Có được bạn tốt như vậy, tôi còn muốn gì hơn nữa!
Rồi vào một mùa hè, trời Canada nóng như đổ lửa. Vậy mà thiên hạ cứ nói Canada lạnh, qua đây sống thử đi rồi biết liền. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao dân ở đây thích đi du lịch. Phải trốn cái nóng như thiêu như đốt nầy. Có lúc không việc gì làm, hai vợ chồng ngồi nhìn những ngày thừa thãi thoáng qua nhanh. Tôi vọt miệng -mùa hè nóng bức như vầy mà năm nay chưa biết đi đâu. Được vợ trả lời : vậy thì mình đành phải ra mấy đảo ở Caribbean (Caraibes) như mấy năm trước. Tôi chưa kịp trả lời thì lúc đó con Mi Sa bỗng kêu lên ăng ẳng, chắc có ai đó đi ngang qua nhà. Nghe chó kêu, nhà tôi liền nảy sanh ra một ý, vọt miệng: -hay là mình đi ra đảo Malta, để coi quê hương con Mi Sa ra sao, gốc gác nó ở đảo nầy mà. Nghe vợ đề nghị đi chơi Địa Trung Hải, tôi mừng vui quá, thiệt là vừa ý hết sức đồng ý liền: Ừa ừa...
Chiếc du thuyền cao 9 tầng có hai cái piscine rộng lớn trên boong với trên hàng ngàn du khách, lặng lẽ êm đềm lướt sóng trong đêm đen. Tôi ngủ say mê mệt không còn biết trăng sao gì nữa hết. Bất ngờ tiếng loa phát thanh trên thuyền vang lên nghe lồng lộng giữa đêm khuya:
-“Đây là thuyền trưởng du thuyền MSC Croisière số 12 thông báo cùng quý khách, xin mời quý khách lên boong tàu để đón bình minh lúc 5 giờ sáng, du thuyền sẽ vào hải cảng đảo Malta”
Vừa nghe xong, tôi nhìn ra khung kiếng cửa sổ thấy trời đã sáng trắng, hai vợ chồng vội vàng đánh răng rửa mặt, cùng nhau ba chưn bốn cẳng leo tuốt lên boong tàu. Lúc nầy trên boong cũng đã đông nghẹt người ta, kiếm một chỗ trống để chen chưn không phải là chuyện dễ. Mặt biển xanh gờn gợn, trời sáng trong tinh khôi, ánh nắng vàng chanh chan hòa cả một vùng trời đất rộng mênh mông bát ngát. Những cơn gió mát thổi nhẹ mơn man ruời ruợi. Chiếc du thuyền lừng lững nguy nga thận trọng từ từ tiến vào hải cảng, tiếng còi tàu rú lên từng nhịp, từng nhịp rền vang. Mọi người chen nhau đông nghẹt trên boong, trên tay nào là máy ảnh, máy quay phim được tận dụng hết tần số. Tôi nhìn mải mê phong cảnh xung quanh bên nầy lẫn bên kia, không gian rạng rỡ đẹp đến độ sững sờ. Thiên đường là đây nè chớ còn ở đâu nữa. Trước mắt tôi bây giờ là vách núi cao chập chùng sừng sửng, xen vào đó là những lâu đài bằng đá kiểu những thế kỷ trước, được xây cất đẹp đẽ, khéo léo, bề thế nương tựa nhau, chen chúc nhau, vươn lên cao ngất như muốn giành hứng hết những tia nắng đẹp đẽ của vùng biển ngọc trong xanh biêng biếc Địa Trung Hải mà tạo hóa ban cho...
Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi du thuyền. Tôi cũng đã có đi nhiều chuyến trên biển hoặc trên sông, chỗ nầy chỗ kia. Có chiếc tệ hơn, có chiếc khá hơn. Cành xứ nầy nhớ lộn qua xứ kia, chuyến nầy lộn qua chuyến kia, làm sao mà nhớ hết cho được. Duy có lần đi nầy, buổi sáng nầy, ghi lại trong tôi dấu ấn đặc biệt quang cảnh hừng đông ở đảo Malta trên vùng trời Địa Trung Hải là đẹp dẽ nhứt, là đáng nhớ nhứt trong đời. Đối với tôi là vậy đó. À, chút nữa thì quên, đảo nầy là quê hương gốc gác của con Mi Sa, chuyến đi nầy đẹp nhứt có lẽ là vì nó mà đi.
Mùa Giáng Sinh năm ấy sắp tới. Bà xã đi làm từ sáng, chỉ có tôi ở nhà một mình với con Mi Sa làm bạn. Ở nhà tôi phải lo chuẩn bị dây chạc để treo đèn kết hoa trước cửa để mừng chúa Giáng Sinh ra đời. Lối xóm nhiều nhà đã thực hiện xong cả tuần trước, đêm đêm đèn đuốc cháy sáng rực rỡ, xen vào dó có nhiều tiếng nhạc thánh thót reo vui. Nhà mình cũng phải bắt chước mà làm, nếu không vậy thì mang tiềng lười biếng, mắc cở lắm. Tụi Tây tuy là nhà nào cũng cửa đóng then gài nhưng tôi biết rõ tụi nó kín đáo để ý từng chút coi một người ngoại quốc như mình sinh sống ra sao. Như mùa hè vừa qua, tôi vì bận chưa kịp cắt cỏ sân vườn, đám cỏ hơi cao rậm rạp một chút, bà đầm nhà cạnh bên gặp tôi ngoài đường sau khi chào hỏi có khen vói một câu -hoa dendelion vườn nhà ông năm nay mùa nầy thật đẹp!
Trời ơi! rõ ràng là bả đã chê tôi thẳng thừng như tạt nước vào mặt vậy, không kiêng dè gì hết. Ai cũng biết sân cỏ xanh mướt mà để hoa bồ công anh mọc lốm đốm vàng là coi không được rồi, y như tấm vải lót giường bị con nít đái dầm, rồi những cánh hoa tàn kia sẽ bay lây lan qua hàng xóm. Để cỏ mọc cao quá, sẽ bị cảnh sát thành phố phạt tiền. Hèn chi hoa nầy, Tây nó đặt tên là Pissenlit (piss -en -lit = hoa Đái Dầm) Vậy thì hoa nầy đẹp hay xấu. Tôi xin tạm trả lời cho các bạn nghen -Xấu đẹp tùy người đối diện. Mấy người làm biếng như tôi thì thấy đẹp. Còn bà đầm hàng xóm thì cho là xấu hoắc hà.
Tôi đã lấy ra mấy thùng to dây điện màu xanh có gắn chi chít những bóng đèn màu xanh đỏ nhỏ xíu. Rồi trở vô sau nhà kho vác ra một cái thang xếp để gắn đèn lên nóc nhà xe và trước cửa. Còn dọc theo hai bên sân đã có hàng dâu tằm đầu cành mọc ngược (mûrier pleureur -ulmus pendula), thì không cần thang đứng dưới đất được rồi. Tối hôm qua, trời có đổ một cơn tuyết không lớn lắm, rơi cao chỉ chừng ba, bốn phân thôi. Nhiệt độ sáng nay tương đối dễ chịu, chừng độ âm bốn, âm năm độ không lạnh lắm, làm việc sẽ thoải mái. Mọi thứ chuẩn bị đã xong xuôi, tôi mở cửa, vác cái thang nhôm lạnh ngắt ra ngoài, trở vô lấy thêm kềm búa, tu vít, rồi trở ra sân, từ từ leo lên thang để gắn dây đèn...
Từ trên cao tôi nhìn thấy một bà đầm già dáng vẻ sang trong mặc áo lông mùa đông tay cầm xâu chìa khoá xe, từ từ bước vào sân vẻ mặt nghiêm trọng buồn bã. Bà nầy lạ quá, là ai vậy, tôi không quen biết, có việc gì mà đi vô sân vườn nhà mình. Tôi ngạc nhiên và bước xuống thang. Tôi chưa kịp hỏi thì bà đã nói: -tôi xin lỗi ông, tôi đã lỡ đụng phải con chó nhỏ của ông. Tuyết trắng quá mà nó cũng trắng nữa, nên tôi nhìn không thấy...
Vừa nghe xong tôi há hốc miệng, xửng vửng- Trời, con Mi Sa, nó chạy ra đường hồi nào, tôi hoàn toàn không biết Tôi nhìn trở vô cửa, thấy cánh cửa nhà mở hé, à thì nó len cửa mà chạy ra. Tôi thiệt là vô ý. Con Mi Sa đáng thương của tôi. Tôi đi ra đường và thấy con chó nhỏ nằm còng queo trên đám tuyết nhòe nhoẹt bùn đất, cạnh bên là chiếc xe đen hiệu mắc tiền. Tôi vội ôm nó lên trên đôi tay, thân mình nó tuy còn ấm nhưng bất động. Nó đã chết thiệt rồi, không có một chút xíu hy vọng nào nữa. Từ nay tôi không còn thấy được cặp mắt đen ánh tròn vo dễ thương như hai hột nhãn, tôi cũng không còn nghe được tiếng sủa hằng ngày quen thuộc. Tôi bước đi những bước chưn vô hồn. Tôi không khóc, mà sao hai hàng nước mắt cứ tuôn ra ràn rụa chảy tràn trên má...
Ôi, con Mi Sa nhỏ thương yêu đời tôi!
Võ Kỳ Điền, Brossard. Quebec. le 1er Avril 2023